Trung Quốc tìm đến các startup để giảm phụ thuộc chip Mỹ

Michael Zhang Wen tốt nghiệp ở Trường Luật Harvard, không đam mê công nghệ, nhưng đi đầu trong việc giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào chip AI của Mỹ.

Sau khi rời Harvard, ông Wen từng hành nghề luật ở New York và là chuyên gia có tiếng ở phố Wall. Năm 2019, ông thành lập và là Chủ tịch Biren Technology. Công ty khởi nghiệp này tập trung vào phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) – loại chip quan trọng đối với các ứng dụng máy học và dữ liệu lớn.

Michael Zhang Wen khi giới thiệu chip BR100 vào tháng 8. Ảnh: Handout

Michael Zhang Wen khi giới thiệu chip BR100 vào tháng 8. Ảnh: Handout

Vai trò của Biren Technology ngày càng lớn sau khi Mỹ ra lệnh cấm xuất khẩu chip AI của Nvidia và AMD sang Trung Quốc hồi tháng 8. Động thái của Mỹ khiến việc tìm kiếm những giải pháp thay thế tại Trung Quốc càng trở nên cấp bách.

Thu hút những cá nhân kiệt xuất

Trên tài khoản mạng xã hội, Wen tự giới thiệu là “một doanh nhân dám mơ những giấc mơ”. Hiện Biren Technology được đánh giá là thành công, nhận sự hỗ trợ lớn từ chính phủ cũng như các quỹ khởi nghiệp. Công ty huy động được khoản tiền khổng lồ 4,7 tỷ nhân dân tệ (655 triệu USD) từ các quỹ đầu tư như Qiming Venture Partners, IDG Capital và Citic Securities Investment trong vòng 18 tháng kể từ khi thành lập.

Trả lời Chinese Entrepreneur hồi tháng 7, Wen cho biết vai trò của ông là “thợ săn đầu người”: thuyết phục những người phù hợp gia nhập công ty. Nhiệm vụ đầu tiên ông là lập danh sách những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực GPU. Ông nhấn mạnh Biren Technology sẽ thành công nếu có thể tuyển được một nửa số người trong danh sách đó.

Tài năng lớn đầu tiên đến với Biren Technology là Mike Hong Zhou, cựu Giám đốc phát triển GPU tại HiSilicon – đơn vị nghiên cứu chip của Huawei. Wen gặp Zhou tại hội nghị AI thế giới 2019 ở Thượng Hải và thuyết phục gia nhập thành công chỉ sau hai cuộc nói chuyện.

Một năm sau, Wen tuyển mộ một nhân vật khác: Mo Li Xinrong, cựu Phó chủ tịch toàn cầu của AMD. Xinrong trở thành CEO Biren Technology từ năm 2020.

Với số nhân tài nhiều cùng nguồn đầu tư lớn, công ty nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong mảng bán dẫn. Thành tựu mới nhất là sản xuất thành công GPU BR100 trên tiến trình 7 nm – điều mà hầu hết doanh nghiệp ở Trung Quốc chưa làm được.

“Đa số các nhóm trong Biren Technology được dẫn dắt bởi giám đốc và phó chủ tịch, những người đã rời các hãng chip khổng lồ trước đây và mang theo một số nhân tài thân cận”, Zhou Zhifeng, đại diện Qiming Venture Partners, đánh giá.

Giới chuyên gia cho rằng, lệnh cấm của Mỹ đang thúc đẩy Trung Quốc tự chủ CPU, GPU và những công ty như Biren Technology đóng vai trò tiên phong. “Lệnh trừng phạt khiến các nhà sản xuất GPU hàng đầu như Nvidia hay AMD bỏ lại thị trường Trung Quốc, tạo cơ hội cho các công ty nội địa”, Wang Lifu, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu ICwise, cho biết.

Thành quả bước đầu

Vào 27/9, công ty công nghệ máy tính Xiangdixian tại Trùng Khánh, cho biết đã phát triển thành công mẫu GPU Tianjun No.1 được sản xuất trên tiến trình 12 nm. Trên Weibo, họ khẳng định đã “đạt đến trình độ quốc tế tiên tiến” và sẽ “lấp đầy hiệu quả khoảng trống trong thị trường nội địa”.

Bên trong phòng thí nghiệm chip AI của một công ty ở Thượng Hải. Ảnh: EPA-EFE

Bên trong phòng thí nghiệm chip AI của một công ty ở Thượng Hải. Ảnh: EPA-EFE

Xiangdixian là cái tên được một nhân vật kỳ cựu ở mảng chip là Tang Zhimin thành lập năm 2020. Ông từng làm việc cho Loongson Technology và Hygon Information Tech, hai công ty sản xuất vi xử lý hàng đầu Trung Quốc.

Thông báo của Xiangdixian đến sau vài tuần khi một hãng GPU khác là Moffett AI tuyên bố chế tạo thành công chip S30, được quảng cáo là có sức mạnh tính toán hơn cả GPU Nvidia. Moffett AI thành lập năm 2018 bởi Wang Wei, cựu kiến trúc sư chip tại Qualcomm và Intel.

Ngay cả BR100 cũng được mô tả có sức mạnh vượt trội. Theo lời giới thiệu của Biren Technology, chip này đã “lập kỷ lục toàn cầu” về sức mạnh tính toán, với hiệu suất đỉnh gấp ba lần so với các sản phẩm tương đương trên thị trường.

Một số startup về GPU của Trung Quốc đã nổi lên những năm gần đây, thu hút sự tài trợ của cả khu vực công lẫn tư nhân. Ví dụ, Iluvatar CoreX bắt tay với Trung tâm Siêu máy tính Thượng Hải và nền tảng chuỗi cung ứng CECport – hai tổ chức được nhà nước hậu thuẫn. Chip Tiangia 100 của Iluvatar CoreX được xem là GPU Trung Quốc duy nhất được sản xuất hàng loạt.

Các công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực GPU đang nhận chú ý lớn còn có Moore Threads và Denglin Technology. Theo Verified Market Research, thị trường GPU Trung Quốc được dự báo sẽ tăng gấp 7 lần giai đoạn 2020-2027, lên 34,6 tỷ USD.

Không dễ thay thế công nghệ Mỹ

Các sản phẩm mới “cây nhà lá vườn” của Trung Quốc được quảng cáo mạnh hơn chip Mỹ, nhưng các nhà phân tích và những người am hiểu lĩnh vực bán dẫn cho rằng chúng vẫn thua xa công nghệ Mỹ, nhất là Nvidia – công ty gần như độc quyền về GPU được sử dụng để đào tạo các mô hình AI.

Theo Lu Jianping, Giám đốc công nghệ của Iluvatar Corex, Nvidia hiện kiểm soát 95% thị trường GPU cho việc đào tạo AI. “Tôi chưa thể tìm thấy bất kỳ sản phẩm nào đủ trưởng thành từ các công ty khởi nghiệp GPU Trung Quốc để đánh giá so với chip Nvidia. Có lẽ, mọi thứ vẫn trong giai đoạn phát triển”, ông cho biết trong một sự kiện do ICwise tổ chức.

Zhang Xiaorong, Giám đốc viện nghiên cứu Shendu Technology, cũng nhận định tương tự. “Một số GPU từ các nhà sản xuất trong nước có thể thay thế, nhưng vẫn có khoảng cách công nghệ từ 3 tới 5 năm so với các chip tiên tiến của Nvidia. Họ chỉ là có nhiều cơ hội hơn sau khi Mỹ ra lệnh cấm”, Xiaorong nói.

Với Lifu, ông đánh giá ngành công nghiệp GPU Trung Quốc “vẫn ở giai đoạn đầu với tỷ lệ và thị phần thấp”. Còn theo William Wang, CEO công ty tư vấn IC Cafe, các startup về GPU Trung Quốc có tiềm năng trong một số lĩnh vực nhất định nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế do một số công đoạn phải dùng công nghệ Mỹ. “Cơ hội và hy vọng là có, nhưng nguy hiểm cũng có”, Wang nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *