Sau một năm khai thác, đường bay thẳng hai chiều từ Việt Nam đến Mỹ của Vietnam Airlines đã đón hơn 60.000 lượt khách, nhờ tiết kiệm thời gian di chuyển.
Anh Dương Thành Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa đặt vé cho vợ sang thăm con trai du học tại Mỹ và vé để cả hai trở về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán bằng đường bay thẳng. Anh kể trước đây, anh thường chọn bay quá cảnh để tiết kiệm chi phí nhưng do vợ ít đi nước ngoài nên bay quá cảnh sẽ vất vả hơn. “Nếu bay quá cảnh giá rẻ hơn khoảng 5-7 triệu đồng mỗi chiều nhưng thời gian tăng hơn 5-7 tiếng. Trường hợp hai điểm dừng có thể đợi cả ngày”, anh Nam chia sẻ.
Trước khi Vietnam Airlines khai thác đường bay thẳng, khách từ Việt Nam đều phải bay quá cảnh ít nhất một điểm dừng. Hành khách sử dụng đường bay vòng qua các điểm trung chuyển tại các cửa ngõ tại Đông Bắc Á (như Incheon – Hàn Quốc, Narita – Nhật Bản, Taipei – Đài Loan, Hong Kong, Bắc Kinh – Trung Quốc). Một số ít khách trung chuyển qua các sân bay cửa ngõ Trung Đông (như sân bay quốc tế Doha, Dubai), Đông Nam Á (Singapore, Manila) và châu Âu (Charle de Gaulle – Pháp và Sheremetyevo – Nga).
Sau chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ vào ngày 28/11/2021, đường bay thẳng Việt – Mỹ được hãng khai thác thường lệ chở khách hai chiều từ tháng 1/2022. Các chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi San Francisco hiện đang được khai thác ổn định với tần suất 4 chuyến mỗi tuần, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân hai quốc gia.
Theo hãng, trong những tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng chỉ 3.000-4.000 khách. Thời gian gần đây, con số này tăng lên, dao động ở mức 7.000-8.000 khách. Tỷ lệ lấp đầy trên các chuyến bay đạt 80-90%, thay vì 30-40%.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay, đường bay của Vietnam Airlines hút khách nhờ giúp tiết kiệm đáng kể thời gian di chuyển so với bay quá cảnh. Thời gian bay thẳng từ TP HCM đi San Francisco mất khoảng 13,5 tiếng. Bay về lâu hơn, khoảng 16,5 tiếng. Nếu bay quá cảnh một điểm dừng, thời gian dao động từ 17 – 19 tiếng, bay về khoảng 20 – 24 tiếng. Giá vé thông thường khoảng 1.000 USD, vào cao điểm, lên tới hơn 2.200 USD ngay cả khi bay một điểm dừng.
Hiện nay, có nhiều hãng hàng không khai thác chặng bay từ Việt Nam đi Mỹ (như United Airlines; Eva Air; China Airlines; Singapore Airlines…). Khi tham gia thị trường này, đơn vị đối mặt với sức cạnh tranh lớn. Vietnam Airlins từng công bố tính toán của hãng trên đường bay Việt – Mỹ. Theo đó, trong giai đoạn 2005-2006, nếu hãng này bay đến Mỹ bằng Boeing 777-200, mỗi năm có thể lỗ khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác hai dòng máy bay hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu là A350-900 và B787-9, mức lỗ có thể giảm xuống thấp nhất là 5 triệu USD và cao nhất khoảng 30 triệu USD mỗi năm trong thời gian đầu khai thác.
Thực tế, đường bay đến Mỹ dài hơn đến châu Âu tới 4 giờ bay, trong khi giá vé chênh lệch không đáng kể. Tuy nhiên, với ưu thế là hãng hàng không đầu tiên tổ chức khai thác chuyến bay chở khách thường lệ trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ cùng những ưu điểm về thời gian, giá vé, Vietnam Airlines được đánh giá vẫn có ưu thế riêng, nguồn khách tiềm năng để duy trì và phát triển đường bay.